Tiếng lạ, lỗi logic và ngụy biện.
Những người nói tiếng lạ thường mắc phải những lỗi logic và ngụy biện như sau:
1,
Ngụy biện dựa vào đám đông.
Lỗi logic của kiểu ngụy biện này là: nếu đám đông làm điều đó, thì điều đó phải là đúng.
Nếu có vài trăm triệu người nói tiếng lạ, thì tiếng lạ phải là đúng.
Chân lý Kinh Thánh thì không như vậy. Một đám đông tin vào một điều trái Kinh Thánh, thì điều đó vẫn là trái Kinh Thánh. Nếu lấy đám đông followers để đánh giá một tín lý, thì tín lý “Đức Mẹ Ma-ri hồn xác lên trời“, tín lý về “Giáo Hoàng,” tín lý về “Ngục luyện tội“….của Công Giáo có đúng Kinh Thánh không? Dù rằng họ có đến 1.3 tỷ followers, nhiều hơn cả khối Tin Lành cộng lại. Thế nhưng, những tín lý như thế vẫn là trái Kinh Thánh.
Ý kiến đám đông không đảm bảo đó là chân lý. Chẳng phải đám đông đã đòi đóng đinh Chúa Giê-su sao?
2,
Ngụy biện dựa vào kinh nghiệm cá nhân.
Nếu tôi kinh nghiệm điều đó là đúng với tôi, thì điều đó phải là đúng.
Lỗi này đề cao kinh nghiệm hơn là thẩm quyền Kinh Thánh.
Chân lý hoàn toàn không phụ thuộc vào kinh nghiệm của bạn. Nếu kinh nghiệm của bạn trái với Kinh Thánh, thì Kinh Thánh phải có thẩm quyền cao hơn.
3,
Ngụy biện về kết quả.
Nếu phương pháp đó giúp cho tôi kết quả, thì phương pháp đó phải là đúng.
Nhiều người nói tiếng lạ dùng kết quả truyền giáo như là minh họa rằng việc nói tiếng lạ là đúng. Không may cho họ, thực tế chứng minh ngược lại. Nhiều HT nói tiếng lạ tại VN đang trên đà nghẹt ngòi, đến mức phải báo cáo láo để giữ hình ảnh, giữ thể diện.
4,
Ngụy biện về cảm xúc.
Nếu điều đó đánh động đến cảm xúc của tôi, thì điều đó phải là đúng.
Con người rất dễ bị cảm xúc lừa dối. Không bao giờ nên dùng cảm xúc như một thang đo.
5,
Ngụy biện gây cảm giác tội lỗi.
Khi bị người khác chỉ ra cái sai, thì người nói tiếng lạ chống chế rằng, anh đang chống Thánh Linh, khiến cho người đối diện có cảm giác tội lỗi khi phản bác anh ta.
Đây là lỗi logic và ngụy biện.
Người ta chỉ ra sự thực hành của anh là sai Kinh Thánh, chứ không phải là người ta chống Thánh Linh.
6,
Ngụy biện người rơm (straw man).
Kiểu ngụy biện này là hạ thấp người đối thoại, thí dụ:
“David Yongi Cho nói tiếng lạ, Oral Roberts nói tiếng lạ, Kenneth Hagin nói tiếng lạ, còn anh là ai mà chống tiếng lạ?”
Dù cho một người nổi tiếng làm một điều sai, thì đó vẫn là một điều sai.
Stephen Hawking là nhà vật lý lý thuyết lừng danh thế giới. Tuy vậy, Stephen Hawking có những nhận định rất sai lầm về Chúa. Và giáo sư John Lennox nhận định về những câu nói của Stephen Hawking rất hay, rằng, “Khi một nhân vật vĩ đại nói một điều vớ vẩn, thì nó vẫn là một điều vớ vẩn – When a great man says something nonsense, it is still nonsense.”
======
Nếp thực hành, đức tin, tín lý của Cơ Đốc Nhân phải thuận phục Kinh Thánh, đầu phục thẩm quyền Kinh Thánh, chứ không phải lấy những lỗi logic để bao biện.
Một điều trái Kinh Thánh thì vẫn là trái Kinh Thánh, bất chấp bao nhiêu người tin nó, thực hành nó, hoặc cảm nhận cá nhân về nó như thế nào.
*