Cứ để các ngân hàng sụp đổ, và các doanh nghiệp cũng vậy.
Cứ để chúng sụp đổ theo quy luật tự nhiên và quy luật cạnh tranh.
Hai ngân hàng tại Mỹ đang sụp đổ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Trong đợt dịch COVID, chính phủ bơm tiền vào thị trường. Ngân hàng SVB ôm tiền đi mua trái phiếu. Sau đó lãi suất FED tăng, làm cho số trái phiếu kia giảm giá trị. Phá sản.
Cứu ngân hàng nghĩa là dùng tiền thuế của dân đi cứu đại gia. Bạn hãy nhớ lại xem, khi ngân hàng ăn nên làm ra, họ trịch thượng với bạn như thế nào. Họ định ra những quy luật bắt buộc bạn phải theo luật chơi của họ. Khi bạn không giữ đúng cam kết của mình với họ, thì họ siết tài sản của bạn. Một cách lạnh lùng và tàn nhẫn. Nhưng khi họ thất bại, thì họ kêu gào giải cứu. Hãy nhớ lại xem, khi bạn thất bại thì ai giải cứu bạn? Không ai cả, đúng không? Bạn phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình, đúng không? Bạn bị mất mát thiệt hại và tự tìm cách tồn tại, đúng không? Các đại gia đang khi thới thạnh thì ăn sung mặc sướng, du thuyền và siêu xe, biệt thự và tiệc tùng… Nhưng khi họ thất bại thì kêu gào chính phủ dùng tiền của dân để cứu họ.
Bài của FEE nêu một thí dụ hay. Nếu bạn được giải cứu sau một sự lái xe hơi cẩu thả mà chính bạn không phải trả giá gì, thì bạn có khuynh hướng là sẽ KHÔNG rút kinh nghiệm gì cả!
.
Từ câu chuyện tại Mỹ, liên tưởng đến Việt Nam.
Thị trường bất động sản tăng trưởng ảo do các đại gia liên minh ma quỷ với nhau mà thổi giá. Khi chìm vào cơn ảo, bạn tưởng đó là thật. Các đại gia cũng vậy, họ tưởng rằng sự phát triển kia là thật. Họ bùa phép và chơi chiêu thủ thuật để vay tiền bằng trái phiếu. Đến khi bất động sản bể bong bóng, mà cái sự bể này là do chính họ thổi, thì họ lại kêu gào giải cứu.
Nhìn vào cấu trúc nợ trái phiếu của các đại gia bất động sản, thì người dân mua trái phiếu của họ cũng không nhiều. Phần nhiều trái chủ là các đại gia mua chéo lẫn nhau, các ngân hàng, các tổ chức quỹ. Bởi vì tất cả đều say thuốc mà mất tỉnh táo. Họ say trong ảo tưởng phát triển bất động sản.
Cứu họ, là phải in thêm tiền. Là lạm phát. Là người nghèo càng nghèo thêm. Là dung dưỡng những mô hình thất bại. Là dung túng cho đám liên minh ma quỷ các cá mập.
Trong khi các lĩnh vực khác của nền kinh tế thì phải tự thân vật lộn để tồn tại. Khu vực sản xuất phải lao đao khốn khó vì không có đầu ra. Công nhân mất việc do hãng xưởng đóng cửa. Bà bán rau bán cá ở chợ cũng khó khăn do ế ẩm…
Thì tại sao không để cho các doanh nghiệp sụp đổ theo quy luật tự nhiên, quy luật cạnh tranh một cách bình thường.
Hãy nhớ lấy quy luật này:
Trong đa số trường hợp, sự can thiệp của chính phủ chỉ làm cho tình hình càng tệ hơn.