Một nhà nước tốt, là một nhà nước ít can thiệp vào đời sống người dân nhất.
***
Quyền lực của nhà nước tỉ lệ nghịch với quyền tự do của người dân. Quyền lực nhà nước càng lớn, thì tự do của người dân càng bị thu hẹp.
Quyền lực nhà nước thể hiện qua việc cấm đoán điều này, cho phép điều kia….
Trong hình là những cánh đồng lúa xanh rì bát ngát ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Người nông dân bị nhà nước cột trói vào mảnh ruộng, và bị bắt ép vào việc trồng lúa. Họ không được phép đào ao nuôi cá. Họ không được phép be bờ lên liếp để trồng những thứ cây khác hiệu quả kinh tế hơn. Họ không được xây nhà máy. Họ không được xây chuồng trại để chăn nuôi. Họ không được phép kinh doanh du lịch từ ruộng lúa của họ. Họ không được phép làm bất cứ thứ gì khác với mảnh ruộng của họ, ngoại trừ việc duy nhất là tiếp tục trồng lúa.
Vì sao?
Vì nhà nước quy hoạch đất của họ là đất lúa. Họ phải tiếp tục trồng lúa từ đời này sang đời khác, từ thế hệ cha ông đến thế hệ con cháu, để thực hiện cái gọi là “An ninh lương thực.“
An ninh lương thực, nghĩa là người nghèo (nông dân trồng lúa) phải tiếp tục nghèo, phải tiếp tục trồng lúa, để đảm bảo lương thực cho người giàu, và để xuất khẩu đi Trung Quốc và Phi Luật Tân.
Anh nông dân A chỉ có thể bán ruộng của mình cho một anh nông dân B khác, với điều kiện anh B phải đang trồng lúa và sẽ tiếp tục trồng lúa. Mà anh B thì cũng đang muốn thoát nghèo, thoát kiếp nông dân trồng lúa lắm rồi. Điều này có nghĩa là quyền tự do của anh A đối với mảnh ruộng của mình đã bị gián tiếp hạn chế, nếu không muốn nói là bị tước đoạt.
Người Nhật Bản qua Việt Nam, ai cũng trầm trồ về sự phì nhiêu của đất đai Việt Nam. Nhật Bản không có nhiều diện tích có thể canh tác được. Việt Nam có thuận lợi đó, lẽ ra người nông dân sẽ giàu, nhưng chính sách vĩ mô đã cột trói người nông dân vào kiếp nghèo. Nghèo một cách bền vững. Nghèo một cách không lối thoát.
Cái sự quy hoạch về trồng lúa, được vẽ ra, được nghĩ ra bởi những người mà chính họ cũng không muốn trồng lúa. Họ phải dồn cái sự nghèo về cho nông dân trồng lúa, để họ được yên tâm về lương thực.
Chủ trương của cánh hữu là gì? Là hãy để người dân tự do quyết định vận mệnh và đời sống của họ. Người dân càng được tự do, thì họ càng giàu có sung túc. Ở nơi nào mà nhà nước can thiệp vào đời sống càng nhiều, thì người nghèo càng nghèo hơn. Và cơ hội thoát nghèo của họ càng nhỏ đi.
Một nhà nước tốt, là một nhà nước ít can thiệp vào đời sống nhất.