Bò đỏ lương 3 củ, ăn bám chuyện “lòng tự hào dân tộc“, thì thôi không đáng nói. Đàng này, tiến sĩ hẳn hoi, nguyên phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, mà ăn nói lý luận y như bò đỏ.
1,
Ăn bám vào khái niệm “lòng yêu nước” hoặc “Lòng tự hào dân tộc” là một kiểu ăn bám bẩn thỉu của bọn vô lại. Xin xem chú thích [a].
2,
Ts Lê Xuân Nghĩa nói, việc xây dựng thương hiệu quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp, mà còn kêu gọi toàn dân chung tay ủng hộ.
Có lẽ Ts Nghĩa ở trong guồng quá lâu, hô khẩu hiệu quá quen, nên dùng chữ sáo rỗng. Làm gì mà nhiệm vụ? Ai giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia? Ai giao nhiệm vụ cho toàn dân chung ta xây dựng thương hiệu quốc gia?
Vingroup là doanh nghiệp, mục đích của họ là kinh doanh kiếm lời. Dù cho họ có nhả vài đồng vài cắt để làm từ thiện, thì mục đích cũng là xây dựng hình ảnh để phục vụ mục đích tối hậu là kiếm lời.
Vingroup lợi dụng chủ trương để lấy đất của dân rẻ mạt. Vinfast chuyển vốn sang Singapore, bây giờ Vinfast đóng nhà máy tại Hải Phòng nhưng nó là quốc tịch Singapore. Bây giờ nhà nước VN có chế tài gì với Vinfast thì là đang chế tài một doanh nghiệp quốc tịch Singapore. Vingroup cũng đang chuẩn bị bán thêm dự án bất động sản của mình cho Singapore.
Do vậy, nói rằng Vingroup hoặc Vinfast có nhiệm vụ xây dựng thương hiệu quốc gia, nghe rất buồn cười.
3,
Ts Nghĩa nói việc Vinfast đem xe vào Mỹ đã là một thành công. Thế thì phải định nghĩa thế nào là thành công. Vinfast tuy đem xe vào Mỹ, nhưng bán ế nhệ, phải giảm giá thuê 50% mà vẫn ế. Chẳng thấy ông Mỹ địa phương nào mua. Chỉ toàn là đám Bolsa Tivi làm clip ăn tiền quảng cáo.
TS Nghĩa nói rằng ông ủng hộ Vinfast. Nói miệng ai cũng nói được. Ts Nghĩa có (dám) xuống tiền mua xe Vinfast không?
4,
Ts Nghĩa chê các mô hình phát triển của Indonesia, Thái Lan, Malaysia… và gọi các nước này là phát triển ì ạch.
Hahaha. Đọc đến đây thì không nhịn được cười. Hàng hoá xuất xứ từ những nước này luôn có giá hơn hàng xuất xứ từ VN. Một chiếc xe từ các nước này được ưa chuộng hơn hẳn xe từ Việt Nam. Phần còn lại, để bạn đọc tự suy luận.
5,
Ts Nghĩa nói nguyên văn,
“Thương hiệu VinFast giờ đây đã trở thành một tài sản quốc gia mà cả Chính phủ và người dân Việt Nam cần phải tìm mọi cách để gìn giữ.”
Thế này thì bó tay. Thương hiệu Vinfast là của Vingroup, chẳng phải của người dân nào, càng không phải là của chính phủ.
6,
Ts Nghĩa so sánh, đại khái, người Hàn Quốc xài Samsung, Kia, Huyndai…. để hàm ý kêu gọi rằng người VN cũng nên ủng hộ Vinfast.
Xin thưa, người Hàn Quốc xài nhãn hàng nội địa vì đó là hàng chất lượng, giá cả phải chăng, thái độ phục vụ khách hàng. Chủ của những hàng đó không xây đắp cơ đồ bằng cách lấy đất dân oan, bằng cách bịt miệng những ai nhận xét lỗi sản phẩm của họ. Họ cạnh tranh sòng phẳng với thế giới bằng chất lượng, dịch vụ và giá cả tương xứng chứ không dùng đội ngũ DLV chửi những người chê họ.
7,
Ts Nghĩa nói rằng, nếu người VN ủng hộ Vinfast “thì chắc chắn VinFast sẽ thành công, bởi so với các đối thủ, xe VinFast vượt trội hơn rất nhiều.”
Rất tiếc là ông không nói Vinfast vượt trội hơn đối thủ nào. Hahaha. Trong khi các diễn đàn xe hơi thì người ta chê Vinfast thậm tệ, với những thực tế chủ xe trải nghiệm và đau khổ bằng chính tài sản của họ, chứ chẳng có thế lực thù địch nào bỏ tiền mua xe để review chê xe anh Vượng cả. Anh bỏ tiền mời car journalist từ Mỹ sang, miễn phí đủ thứ, đãi đằng thịnh soạn như thượng khách, kèm bao thư tiền tươi thóc thật. Thế mà người ta cũng không khen nổi xe của anh.
8,
TS Nghĩa nhắc chuyện mục tiêu xây dựng VN là quốc gia công nghiệp vào năm 2045.
Ủa, chẳng phải cách đây vài chục năm, tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã chém rằng, vào năm 2020 VN sẽ là quốc gia công nghiệp sao? Đến nay là năm 2023 rồi.
Nhân chuyện Ts Nghĩa nhắc chuyện xây dựng mục tiêu quốc gia công nghiệp, thì chính phủ phải có chiến lược đồng bộ các ngành kỹ thuật, đặc biệt là đại học và viện nghiên cứu. Làm sao để thu hút giới trẻ tài năng vào các ngành công nghệ. Chứ đâu phải tài trợ cho một công ty lắp ráp xe hơi. Vinfast chỉ nhập các chi tiết về, lắp ráp với nhau, rồi gắn cái logo Vinfast lên. Thử hỏi hàm lượng công nghệ và chất xám VN trong chiếc xe Vinfast là bao nhiêu? Chuyện này thì Trường Hải làm còn tốt hơn Vinfast. Họ còn đàng hoàng hơn bằng cách là họ không kêu gọi sự thương hại của người dân, không kêu gọi rằng mua xe của họ là yêu nước.
9,
Toàn bộ bài phỏng vấn, Ts Nghĩa dùng quá nhiều ngôn từ và hình ảnh sáo rỗng, khẩu hiệu rổn rảng. Điều này có lẽ thông cảm được, vì Ts Nghĩa đã ở trong guồng quá lâu.
—-
[a]
Đoạn này mình chôm từ trang Con đường nào cho Đông Lào:
“từ TK18 ông Samuel Johnson, một nhà triết học nổi tiếng người Anh quốc, đã từng tuyên bố rằng: “Lòng yêu nước là nơi ẩn náu cuối cùng của bọn vô lại”!
Arthur Schopenhauer, một triết gia nổi tiếng của nước Đức cũng đã từng nói như thế này:
“Loại tự hào rẻ mạt nhất là niềm tự hào dân tộc; bởi lẽ nếu một người chỉ biết tự hào về quốc gia của mình, điều đó cho thấy rằng anh ta không có phẩm chất nào của riêng mình để có thể tự hào; nếu không thì anh ta đã không phải cậy nhờ tới những thứ mà anh ta chia sẻ với hàng triệu đồng bào của mình. Trái lại, một kẻ được phú cho những phẩm chất cá nhân quan trọng sẽ luôn quá sẵn sàng để nhìn rõ những thiếu sót của quốc gia, vì những sai lầm của nó sẽ liên tục hiện ra trước mắt anh ta.
Nhưng những thằng ngu khốn khổ khác không có gì để mà tự hào thì sẽ đều chấp nhận nó, niềm tự hào về quốc gia mà họ thuộc về; chúng sẵn sàng và vui vẻ bảo vệ mọi lỗi lầm và sự điên rồ của nó đến tận chân răng; không phải bởi tình yêu đích thực, mà để đền bù cho sự kém cỏi của chính mình“.
———————————-
(trích nguyên văn bài phỏng vấn Ts Lê Xuân Nghĩa trên Vietnamnet)
‘Nếu người Việt chung niềm tin và ủng hộ, VinFast sẽ là một thương hiệu quốc gia đẳng cấp’
TS.Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, xây dựng một thương hiệu Việt đạt đẳng cấp thế giới không phải nhiệm vụ của riêng DN nào, mà cần sự chung tay của cả quốc gia và sự ủng hộ của người dùng trong nước.
Cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp chế tạo
– Mới đây, VinFast đã bàn giao những chiếc xe điện đầu tiên cho khách hàng Mỹ, ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
Thành công của VinFast tại Mỹ, dù mới chỉ là bước đầu, đã mang lại cho người Việt một niềm tự hào to lớn. Tôi chắc chắn là một trong những người mừng nhất và tự hào nhất! Đấy là điều mà vài chục năm trước thực sự không ai dám nghĩ tới. Không những thế, VinFast còn là hình mẫu để các doanh nghiệp Việt khác mạnh mẽ vươn lên và tự tin bước ra thế giới, làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế – TS.Lê Xuân Nghĩa
– Ông thấy gì từ sự đón nhận mà người Mỹ dành cho sản phẩm ô tô thương hiệu Việt?
Vào được Mỹ là điều chưa bao giờ đơn giản, nhất là với thị trường ô tô đầy khắc nghiệt, đòi hỏi tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng sản phẩm và công nghệ. Vì thế, những gì chúng ta thấy đã thắp lên hy vọng rằng VinFast sẽ trụ vững và phát triển mạnh mẽ tại thị trường tiềm năng này. Đồng thời, nó còn tạo niềm tin cho chúng ta không chỉ vào VinFast mà còn vào triển vọng Việt Nam sớm có được một nền công nghiệp chế tạo độc lập, ngang tầm thế giới.
– Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thành công của VinFast có ý nghĩa ra sao, thưa ông?
Tại Việt Nam hiện nay, những doanh nghiệp như VinFast không nhiều. Trước VinFast, một số doanh nghiệp đã tham gia vào ngành công nghiệp ô tô, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài. Riêng VinFast chọn lối đi riêng và táo bạo hơn, đó là tạo dựng một thương hiệu ô tô của Việt Nam, một thương hiệu đẳng cấp quốc tế.
VinFast đang là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp chế tạo Việt. Câu chuyện của VinFast là tiếng chuông thức tỉnh cả nhà hoạch định chính sách và người dân, rằng chúng ta không thể bỏ qua cơ hội vàng để phát triển thành công một ngành cơ khí chế tạo hùng mạnh, làm bệ đỡ cho các ngành kinh tế khác và làm trụ cột cho toàn bộ tiến trình công nghiệp hóa.
Chúng ta không thể đi vào vết xe đổ của những “con hổ” Đông Nam Á một thời như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Vì không có ngành công nghiệp cơ khí chế tạo làm đầu kéo cho các ngành kinh tế khác mà các nước này đều rơi vào bẫy thu nhập trung bình, phát triển ì ạch.
Tài sản và niềm tự hào quốc gia cần phải được bảo vệ
– Quay trở lại với bước tiến mới của VinFast tại Mỹ. Được biết, nước này vừa xác nhận VinFast đủ điều kiện tham gia chương trình hỗ trợ cho xe điện, cho phép khách hàng thuê xe VinFast có thể tiếp cận ưu đãi lên đến 7.500 USD. Điều này gợi cho ông suy nghĩ gì?
Trước tiên, điều đó cho thấy VinFast đang đi đúng hướng khi đầu tư sản xuất xe năng lượng sạch – loại phương tiện sẽ trở thành xu thế của tương lai khi giảm phát thải đang là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ các nước. Nhìn rộng ra, ưu đãi của Mỹ khiến chúng ta phải xem xét lại các chính sách cho phát triển bền vững.
– Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ như miễn lệ phí trước bạ lần đầu cho xe điện trong 3 năm, từ tháng 3/2022. Nhưng thực tế, chúng ta có thể làm nhiều hơn thế và tốt hơn thế. Đặc biệt, làm thế nào để VinFast có được nguồn vốn giá rẻ là đòi hỏi cấp thiết vì sản xuất xe điện là lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư khổng lồ. Chi phí tài chính đắt đỏ đang là một hòn đá tảng đè nặng lên vai doanh nghiệp trong quá trình hiện thực hóa khát vọng ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghiệp ô tô toàn cầu.
Không quốc gia nào có thể làm công nghiệp hóa với chi phí tài chính cao như thế. Hàn Quốc phải mất 20 năm mới có được thương hiệu ô tô nội địa với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ. Hyundai hay KIA có được ngày hôm nay là nhờ Chính phủ Hàn Quốc luôn đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp ô tô được vay vốn nước ngoài giá rẻ. Ngược lại, Proton, niềm tự hào một thời của Malaysia, đã phải “bán mình” cho nước ngoài cũng chỉ vì những khó khăn tài chính.
Cửa hàng VinFast tại Mỹ
– Kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc còn gợi mở cho chúng ta điều gì về cách người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp nội địa, thưa ông?
Xây dựng một thương hiệu Việt đạt đẳng cấp thế giới, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế tạo, không phải nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp nào mà là của cả quốc gia. Cũng không doanh nghiệp riêng lẻ nào, dù tiềm lực tài chính mạnh đến đâu, có thể tự mình làm được nếu thiếu đi sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước.
Thương hiệu VinFast giờ đây đã trở thành một tài sản quốc gia mà cả Chính phủ và người dân Việt Nam cần phải tìm mọi cách để gìn giữ. Thương hiệu đó còn vô cùng non trẻ, cũng giống như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chập chững những bước đầu tiên, cần phải được bảo vệ cẩn trọng trong cuộc “so găng” với những “tay chơi” toàn cầu mới có thể tồn tại và phát triển được.
Người Hàn Quốc đủ khôn ngoan để biết rằng điện thoại Samsung kém iPhone, xe Hyundai, KIA thua BMW, Mercedes. Nhưng tại sao họ vẫn dùng? Bởi đó là cách thiết thực họ chung tay bảo vệ tài sản quốc gia và xây đắp niềm tự hào dân tộc.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, gấp đôi Hàn Quốc. Nếu người Việt Nam đều có chung một niềm tin và sự ủng hộ như thế thì chắc chắn VinFast sẽ thành công, bởi so với các đối thủ, xe VinFast vượt trội hơn rất nhiều.
Ngược lại, trong cuộc cạnh tranh một mất một còn với các “ngoại binh” vừa hùng mạnh về tài chính, vừa dày dặn về kinh nghiệm, nếu chính người Việt còn quay lưng, thậm chí là chà đạp thì chúng ta sẽ tự tay hủy hoại toàn bộ tiềm năng và đánh mất cơ hội phát triển của mình. Mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại vào năm 2045 khi đó chỉ còn là ảo vọng.
Thế Định (thực hiện)
*
‘Nếu người Việt chung niềm tin và ủng hộ, VinFast sẽ là một thương hiệu quốc gia đẳng cấp’